Chỉ số P/E là gì? Ứng dụng P/E trong đầu tư chứng khoán như thế nào?

Chỉ số P/E là gì?

Chỉ số P/E là viết tắt của cụm từ Price to Earning ratio (còn được gọi là PER) có nghĩa là Hệ số giá trên thu nhập. Chỉ số P/E còn có một số tên gọi khác như Hệ số PE, Chỉ số PE, Hệ số P/E,…

Chỉ số P/E là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (Earning per Share – EPS).

Chỉ số P/E có ý nghĩa: nhà đầu tư sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho một cổ phiếu để đổi lấy 1 đồng thu nhập hiện tại của doanh nghiệp?

Đây là chỉ số được ưa dùng trong phân tích vì nó phản ánh kỳ vọng của thị trường chứng khoán (TTCK) đối với cổ phiếu.

Ở một góc nhìn khác thì chỉ số P/E chính bằng số năm mà nhà đầu tư hòa vốn khi đầu tư vào doanh nghiệp, nếu lợi nhuận không đổi.

Cách tính chỉ số P/E

Chỉ số P/E được tính bằng công thức sau:

Cách tính chỉ số P/E
Cách tính chỉ số P/E

Trong đó:

  • Price = Market Price: Giá thị trường tại thời điểm giao dịch.
  • EPS = Earnings Per Share: thu nhập trên mỗi cổ phiếu.

Bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về EPS trong bài viết Chỉ số EPS là gì? EPS có ý nghĩa thế nào trong đầu tư chứng khoán?

Chỉ số EPS được chia làm 2 loại: EPS cơ bản và EPS pha loãng. Vì thế, chỉ số P/E cũng sẽ có 2 loại là P/E cơ bản và P/E pha loãng. Chỉ số P/E pha loãng sẽ cho bạn kết quả chính xác hơn. Nhưng đa số các doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam có mức độ pha loãng cổ phiếu không cao, nên chỉ số P/E cơ bản và P/E pha loãng không có nhiều khác biệt. Vì vậy, bạn có thể cân nhắc sử dụng chỉ số P/E cơ bản hoặc P/E pha loãng tùy trường hợp.

Một điều lưu ý là EPS có thể âm, vì vậy P/E chỉ thực sự có ý nghĩa trong trường hợp chỉ số EPS dương.

Ứng dụng chỉ số P/E trong đầu tư chứng khoán như thế nào?

Như đã nói ở trên, chỉ số P/E thể hiện tương đối về thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư. Khi đầu tư, ai ai cũng mong thu hồi vốn nhanh nhất có thể. Nếu hiểu như vậy, thời gian hoàn vốn càng thấp (tức P/E thấp) thì mức độ hấp dẫn của cổ phiếu càng cao. Ngược lại, nếu thời gian hoàn vốn càng cao (tức P/E cao) thì cổ phiếu thiếu đi sức hấp dẫn.

Tuy nhiên, nếu như bạn ứng dụng những gì đã đọc từ đầu đến giờ để phân tích một vài mã cổ phiếu thì sẽ thấy trên TTCK lại có những cổ phiếu chỉ số P/E cao mà thị giá vẫn cứ tăng trong dài hạn, còn những cổ phiếu có chỉ sô P/E thấp thì thị giá lại giảm theo thời gian?

Để hiểu được điều này, chúng ta hãy cùng phân tích chi tiết hơn ở dưới đây.

Chỉ số P/E càng cao càng hấp dẫn?

Như đã nói ở trên, chỉ số P/E phản ánh kỳ vọng của nhà đâu tư đối với cổ phiếu. Do đó, chỉ số P/E càng cao càng thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó sẽ cao hơn trong tương lai.

Các nhà đầu tư thường sẵn sàng trả một mức giá cao cho cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành. Vì thế, những doanh nghiệp trong danh mục VN30 thường có chỉ số P/E rất cao.

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, nếu chỉ số P/E tăng quá “nóng” trong một khoảng thời gian ngắn, thì hãy cẩn trọng!

Chỉ số P/E ảnh hưởng bởi 2 yếu tố, đó là thị giá cổ phiếu (Price) và EPS.

Yếu tố EPS đóng góp rất ít cho sự biến động của P/E vì EPS được tính theo lũy kế LNST của 4 quý gần nhất, tức là phải sau 1 quý (3 tháng) thì thay đổi của EPS mới ảnh hưởng đến P/E (hạn chế của EPS là độ trễ thời gian sau khi doanh nghiệp phát hành báo cáo tài chính).

Nguyên nhân duy nhất để giải thích cho sự tăng “nóng” của P/E là thị giá. Kỳ vọng của thị trường quá lớn, dòng tiền đổ vào cổ phiếu nhiều khiến thị giá tăng, kéo P/E tăng theo. Tuy nhiên, một cổ phiếu không thể cứ mãi duy trì đà tăng. Khi thị giá vượt qua giá trị thực của cổ phiếu, những nhà đầu tư sớm nhận ra điều này sẽ bán cổ phiếu để “chốt lời”, kéo giá cổ phiếu giảm.

Vì vậy, nếu chỉ số P/E tăng quá “nóng” thì có nguy cơ giá của cổ phiếu sẽ bị giảm mạnh.

Chỉ số P/E thấp thể hiện điều gì?

Chỉ số P/E thấp có thể phản ánh 4 điều như sau:

  1. Có thể doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, LNST tăng khiến EPS tăng lên, kéo chỉ số P/E giảm xuống. Khi này, cổ phiếu đang bị định giá thấp và là cơ hội để chúng ta mua được một “món hời”.

    Nhưng hãy cẩn thận với bẫy lợi nhuận khi nhìn vào EPS. LNST tăng cao có thể đến từ lợi nhuận bất thường như thanh lý tài sản, thoái vốn,… Đây là những khoản lợi nhuận thiếu bền vững, không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và khó lặp lại trong tương lai. Bạn hãy loại bỏ những khoản lợi nhuận này khi tính EPS để tránh kỳ vọng “ảo tưởng” về khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

  2. Có thể doanh nghiệp không còn có tiềm năng phát triển trong tương lai hoặc có dấu hiệu làm ăn thua lỗ. Nhà đầu tư nhận thấy điều đó và bán cổ phiếu để “chốt lời” khiến thị giá cổ phiếu giảm, kéo chỉ số P/E thấp xuống. Cổ phiếu khi này không còn được coi là rẻ bởi triển vọng tương lai của doanh nghiệp không còn tươi sáng.
  3. Chỉ số P/E thấp có thể là do rủi ro khách quan trong ngành, lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động như: chính sách vĩ mô, chu kỳ kinh tế, lãi suất, chính sách thuế quan, cơ chế của nhà nước gây biến động mạnh đến lợi nhuận mà nhà đầu tư và doanh nghiệp không lường trước được. Khi đó, thị trường sẽ không dám “xuống tiền” để mua vào cổ phiếu có rủi ro lớn trong ngành.
  4. Đặc thù ngành nghề doanh nghiệp đang hoạt động có những yếu tố thiếu hấp dẫn. Ví dụ như ngành sản xuất thép có biên lợi nhuận gộp ở mức thấp 8-20%. Nếu doanh nghiệp kiểm soát chi phí vận hành không tốt, biên lợi nhuận ròng có thể chưa đến 5%. Vì vậy, cổ phiếu của những doanh nghiệp sản xuất thép có P/E không cao. Và không chỉ riêng ngành sản xuất thép, ngành sản xuất nói chung đều bị thị trường “trả giá” không cao vì các lý do chung như: khó gia tăng quy mô và lợi nhuận, EPS tăng trưởng chậm, tài sản thế chấp để vay nợ bị định giá thấp.

Chỉ số P/E cao hay thấp thì nhiều rủi ro hơn?

Đằng sau mỗi cổ phiếu là một doanh nghiệp đang hoạt động. Trong kinh doanh thì không ai dám chắc chắn tương lai doanh nghiệp sẽ thế nào. Rủi ro luôn tiềm ẩn với doanh nghiệp, vì vậy cổ phiếu P/E cao hay thấp đều có rủi ro.

Khi bạn mua cổ phiếu có P/E cao, bạn phải bỏ rất nhiều tiền (tất nhiên, vì thị giá cao) để đặt cược vào tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai. Những doanh nghiệp có tăng trưởng cao thường đi kèm với việc sử dụng vốn vay nợ lớn, chi tiêu nhiều để chiếm thị phần, và chỉ cần “sảy chân” cũng có thể dẫn đến thua lỗ. Vì vậy, nắm giữ cổ phiếu P/E cao sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cổ phiếu P/E thấp.

Chỉ số P/E tốt là bao nhiêu?

Qua các phân tích ở trên, thật khó để nói rằng chỉ số P/E cao hay thấp, ở mức bao nhiêu là tốt.

P/E chỉ là một trong những chỉ số được sử dụng để định giá cổ phiếu. Nếu đứng một mình, chỉ số P/E không có ý nghĩa nhiều.

Tóm lại, chỉ số P/E phải được phân tích cùng với những câu hỏi sau:

  • Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào?
  • Doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai?
  • Chất lượng và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp có tốt, bền vững hay không?
  • Rủi ro của doanh nghiệp là gì?
  • So với P/E của toàn thị trường và P/E các doanh nghiệp cùng ngành thì như thế nào?

Tóm lại:

  • P/E = Giá thị trường / EPS
  • P/E là số năm thu hồi vốn, nếu lợi nhuận không đổi.
  • Để xác định mức hợp lý của chỉ số P/E, bạn cần đánh giá nó tương quan với các chỉ số, các yếu tố khác. Nếu tất cả các yếu tố như nhau thì thường P/E thấp hơn sẽ tốt hơn.
  • P/E cũng là chỉ số dễ bóp méo.
  • Nên kết hợp chỉ số P/E với các tiêu chí đánh giá khác khi đầu tư vào doanh nghiệp. Không nên sử dụng P/E là nhân tố chính để quyết định mua bán cổ phiếu.

Trong bài sau, chúng ta sẽ tìm hiểu về một cặp chỉ số cơ bản khác của cổ phiếu rất hay được quan tâm khi đánh giá cổ phiếu là ROA & ROE.

COPHIEUVIP.COM hiện đang có chương trình tư vấn đầu tư chứng khoán hoàn toàn miễn phí, bạn hãy điền thông tin theo mẫu dưới đây để đăng ký chương trình.

Đăng ký nhận tư vấn đầu tư chứng khoán miễn phí

Nếu bạn chưa có tài khoản giao dịch chứng khoán, hãy mở tài khoản chứng khoán ngay tại đây:

Add comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Đăng ký nhận tư vấn đầu tư chứng khoán miễn phí

COPHIEUVIP.COM hiện đang có chương trình tư vấn đầu tư chứng khoán hoàn toàn miễn phí, bạn hãy điền thông tin theo mẫu dưới đây để đăng ký chương trình.

Trước khi điền thông tin đăng ký, hãy nhắn tin cho Mạnh Hùng Invest qua zalo để được hỗ trợ miễn phí bằng cách bấm vào đây: