Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1.60%
Hoạt động sản xuất cho tín hiệu phục hồi trong tháng 10, thông qua sự cải thiện chỉ số sản xuất công nghiệp. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ thấp nhất kể từ tháng 7 khi chỉ giảm -1,6% so với cùng kỳ, so với mức giảm -7,5% trong tháng 9. Mức giảm nhẹ hơn trong tháng 10 chủ yếu do sự cải thiện từ lĩnh vực chế biến chế tạo (tháng 10 chỉ giảm -1,6% so với -6,5% vào tháng 9). Dẫn đầu sự phục hồi là nhóm may mặc (+10,3% so với -5,3% trong tháng 9), thép (+7,4% so với 6,2%) và đồ điện tử (+1,5% so với -1%). Tuy nhiên, tốc độ phục hồi nhìn chung yếu hơn so với Quý 2 năm ngoái do tình trạng thiếu lao động và sự giãn đoạn chuỗi cung ứng ở khu vực phía Nam. Mặc dù hầu hết các nhà máy trong lĩnh vực sản xuất trọng điểm đã hoạt động trở lại, tuy nhiên công suất chỉ mới đạt được khoảng 70% so với trước dịch. Chỉ số IIP ở TPHCM trong tháng 10 vẫn giảm tới -43% (so với mức giảm -52% trong tháng 9) trong đó hầu hết các chỉ số nhóm ngành cấp 2 quan trọng đều giảm mạnh so với cùng kỳ như may mặc (-65,8%), đồ gỗ nội thất (-50,5%) và đồ điện tử (-55%).
Thặng dư thương mại 1.1 tỷ USD
Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trong tháng 10 khi hoạt động xuất khẩu hồi phục trở lại. Số liệu sơ bộ của TCTK cho thấy kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ +0,33% so với cùng kỳ (tháng 9 giảm -0,52%). Tốc độ nhập khẩu tăng thấp hơn (+8,1% so với 10,2% trong tháng 9) và giúp cán cân thương mại nới rộng thặng dư 1,1 tỷ USD – từ mức 360 triệu USD trong tháng 9, và đánh dấu tháng xuất siêu thứ hai liên tiếp. Điều này giúp cán cân thương mại 10 tháng thu hẹp mức thâm hụt xuống chỉ còn -1,5 tỷ USD. Các nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong tháng là thép (+140%), dầu thô (+150%), hóa chất (+40,8%) và chất dẻo (+62,9%). Trong khi đó, các sản phẩm xuất khẩu truyền thống vẫn chưa có nhiều sự cải thiện như thủy sản (-23,5% so với -23,8% trong tháng 9), gỗ (-39,2% so với -39,5%) và giày dép (-46,4% so với -45,9%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa -13.5%
Nhu cầu trong nước bật tăng mạnh so với tháng trước nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ. Mô hình hồi phục hình chữ V chưa thấy xuất hiện trong nhóm ngành bán lẻ và dịch vụ, mặc dù doanh thu bán lẻ đã tăng tới 14,5% so với tháng trước nhưng vẫn giảm -13,5% so với cùng kỳ). Nhìn chung, sự cải thiện trong tháng 10 chủ yếu là do nhu cầu bị dồn nén do giãn cách kéo dài ở các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội, và do vậy sẽ bình thường trở lại trong thời gian tới, khi niềm tin của người tiêu dùng vẫn ở mức yếu.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 1.81%
Lạm phát duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Lạm phát trong tháng 10 giảm 0,2% so với tháng trước và lạm phát bình quân 10 tháng chỉ tăng 1,81% – mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Yếu tố hỗ trợ lạm phát trong tháng 10 đến từ giá lương thực thực phẩm (giảm -1,3% so với tháng trước, do giá thịt lợn giảm -9,4%) đã bù đắp được mức tăng giá mạnh từ nhóm giao thông (tăng 2,5% trong đó giá xăng dầu tăng 6,2% so với tháng 9). Lạm phát cơ bản trong tháng 10 chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ phản ánh cầu tiêu dùng nội địa suy yếu. Lạm phát bình quân 2021 dự báo ở mức khoảng 2% – thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu của Chính phủ và tạo dư địa cho chính sách nới lỏng tiền tệ.
Thặng dư ngân sách nhà nước 19.7 nghìn tỷ VNĐ
Lạm phát ở mức thấp và tỷ giá ổn định giúp chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng trong tháng 10. Các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn đáo hạn trong tháng (trong khi hầu như không có hoạt động trung hòa nào từ phía NHNN trên thị trường mở) đã giúp thanh khoản tiền Đồng dồi dào và giúp mặt bằng lãi suất ở cả 2 thị trường 1 và 2 duy trì ở mức thấp. Tuy không gian cho chính sách tiền tệ đang bị thu hẹp, nhưng vẫn còn nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ có thể được thực hiện nhằm hỗ trợ nền kinh tế, thông qua nhiều cách khác nhau, như tăng hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng thương mại trong tháng 11 hoặc xem xét có các ưu đãi về lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, một gói tài khóa kích thích khác đang được xem xét, khi không gian tài khóa đã được cải thiện hơn trong năm nay. Cụ thể, Ngân sách Nhà nước đến tháng 10 vẫn ghi nhận con số thặng dư 19,7 nghìn tỷ đồng (so với mức thâm hụt 164,7 nghìn tỷ đồng vào năm 2020), có nghĩa là Chính phủ có thể thúc đẩy nền kinh tế không chỉ về giải ngân đầu tư công, mà còn có thể hỗ trợ tiền mặt đến người dân để kích thích chi tiêu.
Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 24.36%
Tốc độ tiêm chủng tiếp tục được đẩy nhanh trong tháng 10 với 39 triệu liều được tiêm (trung bình 1,26 triệu liều/ngày), nâng tổng số liều vắc xin đã tiêm lên 80 triệu liều. Tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể với tỷ lệ dân số được tiêm ít nhất 1 liều là 57,7% và tỷ lệ tiêm đầy đủ là 24,36%.
Dự báo tăng trưởng GDP Quý 4
Trọng tâm chính của tháng 11 là cuộc họp Quốc hội khóa XV, trong đó tâm điểm chú ý chính là kế hoạch kinh tế – tài khóa năm 2022 và kế hoạch phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022-2023. Hiện tại, triển vọng kinh tế trong các tháng còn lại của năm và năm 2022 đã có phần khả quan hơn, nhưng chúng ta vẫn cần đợi dữ liệu tháng 11 để đánh giá đầy đủ xem mô hình phục hồi chữ V có được duy trì hay không. Tỷ lệ tiêm chủng sẽ là yếu tố then chốt cho việc mở cửa trở lại các ngành dịch vụ và hiện nay Chính phủ đang thực hiện tương đối tốt với tốc độ khoảng 1 triệu liều mỗi ngày và chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi cho 70% dân số vào Quý 1 năm 2022. Nhờ vậy, chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP quý 4 vào khoảng 3,0 – 4,0% theo năm và tăng trưởng GDP cả năm vào khoảng 2,5% – 3,0%. GDP trong năm 2022 được dự báo sẽ hồi phục về mức 6,8%.
(Theo SSI Research)
COPHIEUVIP.COM hiện đang có chương trình tư vấn đầu tư chứng khoán hoàn toàn miễn phí, bạn hãy điền thông tin theo mẫu dưới đây để đăng ký chương trình.
Trước khi đăng ký, hãy tham gia group zalo tư vấn đầu tư miễn phí tại đây
Đăng ký nhận tư vấn đầu tư chứng khoán miễn phí
Nếu bạn chưa có tài khoản giao dịch chứng khoán, hãy mở tài khoản chứng khoán ngay tại đây: